Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non là gì?
Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non, hay còn gọi là SIBO (viết tắt của Small Intestinal Bacterial Overgrowth), là tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức trong ruột non. Theo TS. David Sander, chuyên gia tiêu hóa tại Đại học Sheffield, thông thường acid dạ dày sẽ tiêu diệt phần lớn vi khuẩn trong thức ăn trước khi chúng di chuyển xuống ruột non. Tuy nhiên, khi có sự rối loạn hoặc chậm lại trong quá trình tiêu hóa, vi khuẩn sẽ tích tụ và phát triển mạnh ở ruột non, gây ra các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng SIBO. Bao gồm:
Giảm acid dạ dày
Những người bị giảm acid dạ dày sẽ có nguy cơ mắc SIBO cao hơn. Giáo sư Sanders giải thích: “Chúng ta cần acid trong dạ dày để tiêu diệt vi khuẩn có trong bất cứ thứ gì chúng ta ăn. Nhưng hiện nay, khoảng 10% dân số đang dùng thuốc ức chế bơm proton (một loại thuốc làm giảm acid dạ dày) để điều trị các bệnh như trào ngược dạ dày hoặc loét dạ dày”.
Cấu trúc ruột bất thường
Hãy tưởng tượng đường ruột của chúng ta như một dòng sông. Thức ăn cần được các cơn co bóp mạnh mẽ của cơ ruột đẩy xuôi dòng một cách nhịp nhàng. Nhưng nếu trên “dòng sông” này xuất hiện những “khúc cua” bất thường, những “túi thừa” hay “ngõ cụt” do cấu trúc giải phẫu có vấn đề, thức ăn sẽ dễ bị mắc kẹt lại.
Theo chuyên gia Sanders, chính những bất thường này lại là môi trường lý tưởng để vi khuẩn ẩn náu và sinh sôi, thay vì bị tống đi theo dòng chảy tự nhiên. Điều này làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển hội chứng loạn khuẩn ruột non.
Một ví dụ điển hình là bệnh túi thừa, khi thành ruột xuất hiện những chiếc túi nhỏ bất thường. Tương tự, các cuộc phẫu thuật đường ruột, đặc biệt là những phẫu thuật tạo quai ruột (như phẫu thuật giảm cân), cũng có thể vô tình tạo ra những “góc khuất” cho vi khuẩn trú ngụ và gây bệnh.
Nhu động ruột chậm lại
Nhu động ruột là quá trình co bóp của các cơ trơn trong hệ tiêu hóa, cho phép thức ăn di chuyển dọc theo đường tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Hoạt động này đóng vai trò then chốt trong việc giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chuyên gia Sanders nhấn mạnh: “Bất cứ điều gì làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn trong ruột đều tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.”
Tuổi tác là một yếu tố tự nhiên khiến nhu động ruột hoạt động chậm chạp hơn, đó là lý do vì sao hội chứng SIBO phổ biến hơn ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, một số bệnh lý như đái tháo đường type 1 hay các bệnh tự miễn khác có thể làm tổn thương các dây thần kinh điều khiển cơ ruột. Khi đó, thức ăn di chuyển chậm hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi và gây ra SIBO.
Ngộ độc thực phẩm
Theo Bác sĩ Geoff Mullan, chuyên gia y học chức năng tại Vương quốc Anh, ruột non có cơ chế co bóp rất mạnh mẽ để loại bỏ các mảnh thức ăn còn sót lại. Tuy nhiên, đôi khi sau một đợt ngộ độc, các xung điện điều khiển những cơn co bóp này bị tổn thương và không còn hoạt động hiệu quả như trước.
Hệ quả là thức ăn không được tống đi hết, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển quá mức. Điều này có thể lý giải tại sao có tới 10% người sau khi bị nhiễm trùng tiêu hóa (ngộ độc) vẫn tiếp tục gặp phải các triệu chứng về đường ruột kéo dài.
Các triệu chứng của SIBO là gì?
Các dấu hiệu điển hình nhất của SIBO thường bao gồm: Đầy hơi, chướng bụng; Cảm giác đầy bụng khó chịu sau khi ăn; Tiêu chảy; Giảm cân không rõ nguyên nhân. Chuyên gia Sanders nhấn mạnh một điểm quan trọng: “Nếu bạn không bị chướng bụng và tiêu chảy, thì bạn không mắc SIBO.”