“Khoảng 50% các trường hợp mắc bệnh gan có thể được ngăn ngừa chỉ bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và cải thiện dinh dưỡng“, Tiến sĩ Sanjiv Saigal, Chủ tịch Hiệp hội Ghép gan Ấn Độ (LTSI) chia sẻ, theo India Times.
Ông Sanjiv Saigal cũng cho biết thêm rằng gan có khả năng tự phục hồi đáng kể và thậm chí nhiều năm tổn thương cũng có thể được phục hồi bằng những thay đổi lối sống phù hợp. Trong đó, chế độ ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc không chỉ ngăn ngừa bệnh gan mà còn hỗ trợ tái tạo gan.
Một nghiên cứu quy mô lớn gần đây được công bố trên Frontiers in Nutrition đã phân tích dữ liệu từ hơn 121.000 người tham gia tại UK Biobank và phát hiện ra rằng những người ăn chế độ ăn có nhiều chất gây viêm – với nhiều thực phẩm chế biến, đường và chất béo không lành mạnh – có nguy cơ mắc bệnh gan mạn tính (CLD) cao hơn 16%.
Ngược lại, nghiên cứu cho thấy những người áp dụng chế độ ăn chống viêm như chế độ ăn Địa Trung Hải vốn đạt điểm cao trong chỉ số ăn uống lành mạnh, đã giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh gan.
Tiến sĩ Saigal nhấn mạnh “sức mạnh” của thực phẩm như một loại thuốc, đặc biệt là trong thời đại mà các bữa ăn chế biến sẵn và đồ uống có đường đã trở nên phổ biến.
“Khi người bệnh chuyển sang chế độ ăn sạch hơn – giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc – chúng tôi thấy những cải thiện đáng kể. Nồng độ men gan giảm, năng lượng trở lại và triển vọng sức khỏe lâu dài được cải thiện. Bắt đầu bằng những việc nhỏ, như đọc nhãn thực phẩm và cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn” – Chủ tịch Sanjiv Saigal nhấn mạnh.
Tiến sĩ Saigal cho biết: Bằng cách chọn sản phẩm tươi sống, nấu ăn tại nhà, uống đủ nước và ăn uống có ý thức, chúng ta có thể ngăn ngừa các bệnh về gan. Ngược lại, đồ uống chứa nhiều đường, thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn là những tác nhân chính gây tổn thương gan.
Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nutrients cũng đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa lượng đường fructose cao – thường có trong nước ngọt và đồ ăn nhẹ đóng gói, cùng với sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) ở trẻ em béo phì. Nghiên cứu chỉ ra, tình trạng tích tụ mỡ trong gan và kháng insulin tăng lên do lượng đường fructose nạp vào quá nhiều.
Những phát hiện này đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giảm lượng đường bổ sung, đặc biệt là trong chế độ ăn của trẻ em, để chống lại tình trạng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh gan ở trẻ em.
Ngoài ra, tránh lạm dụng thuốc, giảm rượu, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng góp phần ngăn ngừa tổn thương gan. Với những thay đổi sớm trong lối sống, tổn thương gan không chỉ có thể được ngăn ngừa mà còn có thể đảo ngược.